Lái xe tải chở nặng qua bùn lầy sẽ gặp khá nhiều nguy hiểm. Bởi vậy các tài xế cần thật chú ý trong trường hợp này. Bài viết sau đây chúng tôi xin chia sẻ một vài kinh nghiệm cho các bạn tham khảo.
♦ Xuống xe và phán đoán địa hình
Đa phần các lái xe thường bỏ qua bước này và quyết định giữ nguyên tư thế để lái xe vượt qua những dạng địa hình khó. Tuy nhiên, các “xế già” lại khuyên bạn điều ngược lại khi đối diện với địa hình bùn lầy. Việc xuống xe và quan sát địa hình thật kỹ sẽ giúp lái xe phán đoán được mức độ an toàn khi lái, đồng thời dự đoán những tình huống có thể xảy ra để chuẩn bị hướng xử lý phù hợp. Đừng chủ quan và cho rằng bản thân có đủ kỹ năng và kinh nghiệm để vượt qua mọi vật cản hay địa hình khó! Khi đối diện với một địa hình lạ, bạn sẽ không biết được dưới lớp bùn kia có tiềm ẩn đá hộc, khúc gỗ hay sắt nhọn gây trượt bánh hoặc làm bể lốp hay không; có hố sâu hay bùn lún khiến xe bị trượt bánh hay mắc kẹt lại không;…
♦ Tận dụng tối đa các ứng dụng công nghệ hỗ trợ an toàn
Trước khi cho xe lăn bánh di chuyển vào khu vực bùn lầy, hãy chắc chắn rằng bạn đã tận dụng tối đa các ứng dụng công nghệ an toàn và hỗ trợ trơn trượt được trang bị sẵn trên xe, đồng thời thực hiện các công việc như: cài cần sau và khóa hệ thống visai trung tâm, mở visai cầu trước; chuyển cần số ở hộp số phụ về vị trí chạy chậm; giữ vô lăng cho xe chạy thẳng, tránh làm bánh chệch ra hướng đi an toàn sẽ rất nguy hiểm.
♦ Lái chậm và tuyệt đối không được chạy đà
Không ít lái xe tải nghĩ rằng mình cần chạy đà trước khi vượt qua vũng bùn lầy để quá trình chạy được thực hiện càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, việc lấy đà càng lớn, xe của bạn sẽ càng dễ bị sa lầy nặng, thậm chí chệch hướng lái gây mất lái và bị trượt trên đường dài. Do đó, điều cần làm là lái ở tốc độ chậm, vừa lái vừa cân nhắc điều kiện địa hình để có đủ thời gian cảm nhận độ trơn trượt và phản ứng với những phát sinh xảy ra trên đường di chuyển một cách kịp thời và hiệu quả. Ngoài ra, khi xe mất độ bám đường, đừng nên đạp ga quá mạnh hoặc liên tục nhồi ga, việc làm này chỉ khiến bánh xe của bạn quay nhanh hơn và xe thì ngày càng lao nhanh hoặc lún sâu hơn.
♦ Mang theo những “vật lót đường” để dùng khi cần
Gỗ, đá, rơm rạ hay bất kỳ những vật cứng nào khác sẽ trở thành cứu tinh của bạn khi bánh xe thiếu độ bám, bị lún bùn hay bản thân không đủ tự tin để tự mình vượt qua địa hình bùn lầy phía trước. Hãy sử dụng những “vật lót đường” này chèn vào phía trước mỗi bánh xe để làm bước đệm vững chắc cho bánh lái có đà chạy qua địa hình bùn lầy một cách an toàn và nhanh nhất.
♦ Quay trở lại và tìm đường khác
Khi mọi sự cố gắng là vô ích, đừng ngần ngại, hãy quay đầu xe trở lại và tìm một đường đi khác. Đừng cố đưa bản thân và tài sản của mình vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, vừa mất sức lại tốn tiền cho việc sửa chữa xe nếu hư hỏng hoặc phải gọi cứu hộ đến để đưa xe của bạn ra khỏi vị trí mắc kẹt của bãi bùn lầy.
♦ Một số kinh nghiệm hữu ích khác
-
Khi lái xe vào vùng đất cao bùn lầy, đừng nên đi theo những vệt bánh xe cũ vì nơi đó thường sâu hơn, ướt hơn dễ làm bánh bị trượt hơn
-
Khi muốn giảm tốc độ, tuyệt đối không phanh chân, hãy trả về số thấp để phanh động cơ đảm bảo an toàn
-
Khi muốn dừng hẳn, tuyệt đối không được giẫm phanh quá mạnh mà hãy nhấn từ từ, nhấp-thả liên tục để tăng ma sát
-
Nếu lốp căng tốt cho việc di chuyển trên đường nhựa thì lốp mềm sẽ thuận lợi cho việc di chuyển qua bùn lầy. Do đó hãy xì bớt một ít hơi của lốp ra để xe dễ thoát khỏi địa hình đó hơn.
-
Đừng quên kiểm tra mọi cung đường sẽ đi trước mỗi chuyến khởi hành, kiểm tra an toàn vận hành của xe, nắm thông tin về thời tiết, mức xe lưu thông và trang bị trước kỹ năng xử lý một số tình huống phát sinh có thể xảy ra trên đường.
…
Để có những chuyến đi an toàn, ngoài những kỹ năng điều khiển xe thuần thục, các tài xế xe tải cũng đừng quên trang bị cho mình kinh nghiệm lái xe vượt địa hình thường gặp, trong đó có địa hình bùn lầy. Hy vọng những thông tin mà Tuyencongnhan.vn chia sẻ trên đây sẽ phần nào bổ sung thêm vào "hành trang" lái xe an toàn của người lái xe.